Khi bạn truy cập một website nào đó theo cách thông thường, website có thể thu thập được địa chỉ IP của bạn. Nếu website đó muốn, họ cũng có thể dùng địa chỉ IP này cộng với cookie và một số thủ thuật khác để biết hành vi của bạn trên nhiều website khác nhau, từ đó xây dựng được hồ sơ về sở thích, thói quen của bạn ngay cả khi bạn không cho phép. Để ngăn chặn việc này, Apple đưa ra tính năng iCloud Private Relay.
Mô tả sơ cái hình, nó là quy trình khi bạn truy cập vào một website. Từ máy tính của bạn, bạn sẽ vào Wi-Fi hoặc mạng có dây, sau đó bạn sẽ đi vào mạng của nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP, ví dụ như Viettel, FPT, VNPT…). Từ đây, yêu cầu truy cập website của bạn sẽ được nhà cung cấp dịch vụ chuyển hướng qua một hệ thống mạng để đến được máy chủ của website (gọi là server cho gọn). Sau khi yêu cầu của bạn đến được server của web, server sẽ trả lại kết quả là một trang web hay một thông tin nào đó cho bạn, dữ liệu sẽ đi ngược lại tuyến đường hồi nãy và hiển thị lên cho bạn xem.
Vì server của website biết được địa chỉ IP của bạn, cũng như loại server mà bạn kết nối vào, nên thông tin này có thể được thu thập để dùng cho những mục đích mà bạn không mong muốn như quảng cáo định hướng chẳng hạn. Cũng từ địa chỉ IP có thể suy ra vị trí của bạn, có thể chính xác tới mức thành phố hoặc thậm chí xuống sâu hơn nữa, trong khi bạn không mong muốn điều này.
Cách hoạt động của VPN
Khi bạn sử dụng VPN, nó sẽ là một lớp chuyển tiếp nằm ở giữa bạn và server của website. Lúc này khi bạn truy cập vào web, web sẽ không biết được địa chỉ IP thật của bạn, server chỉ ghi nhận được địa chỉ IP của VPN mà thôi. Đó cũng là lý do vì sao khi bạn dùng VPN đặt tại nước ngoài, ví dụ như VPN ở Singapore thì web nghĩ rằng bạn đang truy từ từ Sing trong khi thực tế bạn vẫn đang ngồi ở Việt Nam.
Và bởi vì phải thông qua VPN, tức thêm 1 lớp ở giữa, nên tốc độ sẽ không thể nhanh như khi bạn truy cập trực tiếp, bù lại tính riêng tư sẽ cao hơn. Nếu gặp các dịch vụ VPN không tốt thì tốc độ sẽ lại càng chậm hơn nữa. Đó là lý do vì sao mình chọn dùng VPN của riêng mình, không xài chung với người dùng khác. Mình đã từng chia sẻ về việc tự dựng VPN riêng, rất đơn giản, mời anh em tham khảo.
Hơn nữa, máy chủ VPN có thể nắm được IP của bạn và website bạn muốn truy cập. Nếu đây là một nhà cung cấp VPN không đáng tin cậy thì có thể dữ liệu này sẽ được khai thác theo những cách mà bạn không thể biết.
Cách hoạt động của iCloud Private Relay
Nếu như VPN chêm 1 lớp trung gian thì iCloud Private Relay sẽ chêm tới 2 lớp. Lớp đầu tiên là server của chính Apple, và lớp thứ 2 là một nhà cung cấp nội dung đối tác của Apple.
Ngoài ra, mọi yêu cầu truy cập web / mạng của bạn khi đi ra khỏi iOS 15, macOS Monterey đều sẽ được mã hóa phần tên của server (nói đúng ra là mã hóa phần DNS, nhưng thôi bạn cứ hiểu là mã hóa tên server cho dễ). Như vậy trong suốt quá trình đi từ máy của bạn, qua mạng Internet công cộng, cho đến máy chủ của Apple, bạn đều không để lộ website mà bạn muốn truy cập.
Khi yêu cầu đã tới server Apple, Apple sẽ tiếp tục chuyển tiếp yêu cầu của bạn qua máy chủ của đối tác cung cấp nội dung. Lúc này Apple không gửi địa chỉ IP của bạn nữa, thay vào đó máy chủ của đối tác chỉ nhìn thấy đây là một yêu cầu từ server Apple, với địa chỉ IP của Apple mà thôi. Còn tên server bạn muốn vô vẫn tiếp tục được mã hóa.
Khi yêu cầu của bạn đến máy chủ của đối tác Apple thì tên server mới được giải mã, từ đây nó được chuyển tiếp đến đúng máy chủ đang chứa website. Lúc này máy chủ website chỉ thấy địa chỉ IP của server đối tác Apple, không thấy được địa chỉ IP của bạn.
Như vậy trong suốt quá trình này, không server nào biết được cùng lúc địa chỉ IP và tên server bạn muốn truy cập. Nói cách khác, không server nào, kể cả server của Apple, có thể biết được thói quen truy cập web nếu chỉ đơn thuần track bằng địa chỉ IP. Như vậy sự riêng tư của bạn được đảm bảo hơn rất nhiều.
Nhược điểm của cách này là phải qua 2 lớp chuyển tiếp, nên sẽ chậm hơn. Khi Internet chạy ngon, có thể bạn không thể nhận thấy điều này bằng mắt, nhưng nếu mạng chậm thì bạn sẽ thấy ngay.
Và nếu bạn truy cập từ Việt Nam mà gặp ngay lúc mạng quốc tế có vấn đề thì sẽ chậm lắm, có thể không vào được website luôn. Điều này đã từng diễn ra ở đợt đứt cáp tháng 6, nhiều bạn không vô được các trang web, không coi được YouTube, gần đây lại bị nữa. Vừa rồi cũng có một số anh em Tinh tế ở nước ngoài báo là không vô được web Việt Nam nếu dùng iCloud Private Relay, trùng ngay lúc mạng Internet quốc tế bị chậm khi truy cập từ Việt Nam.